Xuất hiện chiêu trò mới để "thổi" giá đất tại Cam Lâm - Khánh Hòa

10/12/2021    1.432    4.65/5 trong 18 lượt 
Xuất hiện chiêu trò mới để "thổi" giá đất tại Cam Lâm - Khánh Hòa
Sau tình trạng "vẽ dự án", mượn thông tin quy hoạch và “đại bàng về làm tổ” tại huyện Cam Lâm để thổi giá đất, mới đây, một số đối tượng còn tiến hành chiêu trò chôn cọc, cắm cọc để tiếp tục thổi giá đất.

 Cọc chôn xuống, giá đất "thổi" lên

Theo người dân các xã Cam Hiệp Bắc, Cam Hiệp Nam thuộc huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa, khoảng 10 ngày gần đây, liên tục có các đối tượng đi xe bán tải đến khu vực, tiến hành đào đường chôn cọc. Trên các cọc được chôn có ghi tên cơ quan quản lý nhà nước về đất đai và điểm tọa độ.
“Những người đi chôn cọc cho biết, họ đi cắm mốc tọa độ cho "một tập đoàn lớn" để làm dự án tại khu vực này. Thông tin về tập đoàn lớn thì chúng tôi cũng có nghe, nhưng chưa thấy chính quyền nói gì” - ông Nguyễn Văn Năng, một người dân xã Cam Hiệp Bắc trao đổi với phóng viên.
Theo ông Năng, ngay khi các cọc được chôn, các đối tượng sẽ rao bán với giá tăng lên vài chục triệu đồng/mét ngang (mét ngang có chiều sâu khoảng 25-30m - PV). “Trước đây, tại khu vực này, giá đất dao động trong khoảng 60 - 70 triệu đồng/mét ngang, nhưng ngay khi những chiếc cọc được chôn xuống, giá đất đã bị thổi tăng lến đến hơn 130 triệu đồng/mét ngang. Mấy hôm nay, người ta bán qua bán lại nhiều lắm. Nếu được giá 150 triệu đồng/mét ngang tôi cũng bán một phần đất của mình” - ông Năng nói.   

 

Hình ảnh những chiếc ''cọc mạo danh'' được đăng tải tràn lan trên các trang mạng xã hội, nhằm ''đánh lận con đen'' tăng giá đất (Ảnh chụp màn hình).
 
Tại hiện trường, theo ghi nhận của phóng viên, các cọc được chôn không theo một quy trình nhất định. Cụ thể, cùng trên một tuyến đường khoảng 2-3km nhưng có cọc chôn bên phải đường, có cọc lại chôn bên trái và không có một khoảng cách nhất định. Tuy nhiên, các cọc có điểm chung là thường nằm gần, hoặc đối diện các khu đất đã được chia lô hoặc trong các khu dân cư còn nhiều quỹ đất trống hợp quy hoạch lên đất thổ cư.
Với hình ảnh các cọc được chôn, một số đối tượng chụp lại, đăng trên các trang mạng xã hội, "làm ra vẻ như" tập đoàn lớn đã cắm mốc làm dự án. Mục đích khiến cho khách hàng "tưởng bở" rằng giá đất chắc chắn sẽ tăng 3-5 lần. Điều đáng nói là, với các chiêu trò này, các đối tượng đã "thổi" giá đất tại một số khu vực thuộc huyện Cam Lâm tăng lên chóng mặt.
 
“Hơn chục ngày qua, có rất nhiều người hỏi mua đất nhà tôi với giá cao gấp 2-3 lần giá trước dịch Covid-19. Tôi cũng không biết họ ở đâu đến nhưng đa số nói giọng Bắc và cũng không nói mua làm gì. Khu này trước là khu dân cư lâu đời, mỗi hộ có bề ngang vài chục đến vài trăm mét và sâu từ 20m đến hơn 30m, nên rất rộng. Tuy nhiên, mỗi lô đất chỉ có vài trăm mét thổ cư để người dân xây nhà” - bà Nguyễn Thị Duyên, một người dân xã Cam Hiệp Nam cho biết.
 

Cẩn thận chiêu trò "đánh lận con đen"

Liên quan đến các "chiêu trò" nêu trên, trao đổi với phóng viên, ông Ngô Văn Bảo - Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm cho biết, việc cắm cọc, giao đất thì địa phương chưa thực hiện. Theo ông Ngô Văn Bảo, việc triển khai dự án của một tập đoàn lớn nếu có, thì phải được các cấp có thẩm quyền phê duyệt và còn phải trải qua nhiều thủ tục, mới đến giai đoạn cắm cọc, giao đất. "Về việc các đối tượng tự ý đi cắm cọc, chôn cọc, gây hiểu nhầm cho người dân, UBND huyện sẽ cho kiểm tra ngay và sẽ có chấn chỉnh nếu phát hiện sai phạm...” - ông Ngô Văn Bảo nói.
Cũng theo ông Ngô Văn Bảo, huyện Cam Lâm đã có văn bản chỉ đạo các địa phương về việc tăng cường công tác kiểm tra, xử lý và quản lý đất đai trên địa bàn. “Việc phân lô bán nền đến nay thì huyện không cấp phép và chuyển mục đích sử dụng đất trong dân. Tình trạng phân lô bán nền đã xảy ra trước đó, huyện đang đợi các kết luận thanh kiểm tra để thực hiện các bước tiếp theo. Tình trạng phân lô bán nền lớn trên địa bàn sau khi có các đoàn kiểm tra thì đã dừng” - ông Ngô Văn Bảo cho hay.
 
Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm Ngô Văn Bảo cũng cho biết thêm, việc bà con mua bán đất đai, sang nhượng qua lại thì huyện đã có văn bản chỉ đạo cấp dưới tuyên truyền cho bà con, tránh tình trạng bị lừa gạt làm sai quy định. "Đối với các trường hợp có giấy tờ hợp lệ, chuyển nhượng đúng quy định pháp luật thì không thể cấm được" - ông Ngô Văn Bảo nói.

Nhiều khu đất phân lô bán nền tại xã Cam Hiệp Bắc đến nay vẫn không có một công trình nào được xây dựng (Ảnh: Trung Vũ).

Trước đó, trên địa bàn huyện Cam Lâm đã xuất hiện tình trạng có một số trường hợp tự ý phân lô, sử dụng đất sai mục đích, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp. Đồng thời, một số đối tượng lợi dụng các trang mạng xã hội, đưa thông tin đất đai, chuyển nhượng quyền sử dụng đất... trái quy định. Cá biệt, có những trường hợp "vẽ dự án ma" và tiến hành các thủ tục mua bán, chuyển nhượng trái quy định của pháp luật.
"Để chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đất đai, UBND huyện Cam Lâm đã ban hành văn bản, chỉ đạo các phòng, ban liên quan và UBND các xã phường, tăng cường kiểm tra, giám sát, việc sử dụng đất. Quản lý chặt công tác xây dựng, tình trạng san lấp mặt bằng, cải tạo, sử dụng đất sai mục đích; công bố công khai quy hoạch xây dựng, quy hoạch dân cư, quy hoạch sử dụng đất… để người dân được rõ. UBND huyện khuyến cáo người dân, nhà đầu tư cần hết sức thận trọng, kiểm tra kỹ các thông tin trước khi quyết định đầu tư, mua đất" - Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm Ngô Văn Bảo thông tin.

Luật sư Trần Đức Phượng – Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh cho biết: Hành vi của nhóm người tự tạo ra các cột mốc (có các dấu hiệu của một doanh nghiệp), tổ chức cắm các cột trên đất của người khác, đất của Nhà nước quản lý và chụp hình, đăng thông tin trên mạng xã hội về thông tin công bố lộ giới mốc của doanh nghiệp,… để lừa dối người khác nhằm câu kéo, dẫn dụ người khác liên lạc với nhóm này, tạo tin giả để gây sốt thị trường nhà đất. Đây là những hành vi vi phạm pháp luật bị xử lý tại điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử có mức phạt từ 10 triệu đến 20 triệu đồng.

Điều 101. Vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau:

a) Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;

Đối với doanh nghiệp, hành vi mạo danh gây ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp nên doanh nghiệp có quyền trình báo đến các Cơ quan quản lý nhà nước để xử lý vi phạm và khởi kiện ra Tòa buộc chấm dứt hành vi vi phạm, cải chính công khai xin lỗi, bồi thường các thiệt hại xảy ra.




 
Lưu ý: Thông tin này được www.mangbds.com tổng hợp từ nhiều nguồn khác nhau. Tuy nhiên thông tin này có thể thay đổi nhiều thông tin qua thời gian do chủ đầu tư hoặc cơ quan chức năng nên sẽ có những thông tin chưa được chúng tôi cập nhật kịp thời. Vì vậy, bạn đọc và khách hàng chỉ xem đây là nguồn tham khảo. www.mangbds.com không chịu trách nhiệm gì đối với bất kỳ thiệt hại trực tiếp hay do hậu quả phát sinh từ việc sử dụng thông tin này.

Đăng bài miễn phí 

Hotline: 0906050528 - Mr. Xuân Hoán!
Nguồn tin: kinhtedothi.vn

Đăng ký tham gia

Họ và tên
Email
Điện thoại
Ghi chú
Captcha