Rủi ro khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất bằng hợp đồng ủy quyền cần biết

19/08/2022    413    4.65/5 trong 18 lượt 
Rủi ro khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất bằng hợp đồng ủy quyền cần biết
Với mục đích hợp pháp hóa các giao dịch mua bán, chuyển nhượng nhà đất mà các bên chủ thể không đủ điều kiện thực hiện giao dịch đã ký kết một hợp đồng ủy quyền thay vì hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, khi thực hiện giao dịch đường vòng như thế này sẽ mang nhiều rủi ro pháp lý. Vậy đó là những rủi ro gì?
Khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất bằng hợp đồng ủy quyền có thể xảy ra các rủi ro sau:
 

(1) Chuyển nhượng quyền sử dụng đất không có hiệu lực

 
Khoản 3 Điều 188 Luật Đất đai 2013 quy định việc chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất phải đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính. Vì thế, chỉ khi nào đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai thì việc chuyển nhượng mới có hiệu lực.
 
Để tiến hành đăng ký vào sổ địa chính, sang tên đất thì cần có hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã công chứng hoặc chứng thực. Do đó mà không thể chứng minh hiệu lực của việc chuyển nhượng đất trong trường hợp này.
 

(2) Quyền đối với thửa đất có thể bị giới hạn

 
Theo Điều 562 Bộ luật dân sự năm 2015, hợp đồng ủy quyền là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó, bên được uỷ quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên uỷ quyền. Bên uỷ quyền phải trả thù lao nếu các bên có thoả thuận hoặc pháp luật quy định.
 
Từ quy định trên có thể thấy bên được ủy quyền chỉ nhân danh, thay mặt bên ủy quyền sử dụng thửa đất, chuyển nhượng, tặng cho và các quyền khác nếu có thỏa thuận trong hợp đồng ủy quyền.
 
Pháp luật trao cho các bên quyền tự thỏa thuận phạm vi ủy quyền. Do đó, trong nhiều trường hợp bên nhận ủy quyền sẽ không được thực hiện đầy đủ các quyền của người sử dụng đất nếu hợp đồng ủy quyền không thỏa thuận.
 

(3) Hợp đồng có thể chấm dứt bất cứ lúc nào

 
Theo khoản 1 và khoản 2 Điều 562 Bộ luật dân sự 2015 thì bên ủy quyền hay bên được ủy quyền đều có thể chấm dứt hợp đồng ủy quyền bất cứ lúc nào nếu báo trước một thời gian hợp lý đối với hợp đồng ủy quyền không có thù lao hoặc trả thù lao và bồi thường thiệt hại đầy đủ nếu có đối với hợp đồng ủy quyền có thù lao.
 
Pháp luật cho phép các bên dễ dàng đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền. Do đó, khi một trong các bên cảm thấy phúc lợi từ việc chuyển nhượng đất này không còn tốt như mong muốn hay vì nhiều lý do khác thì vẫn có thể chấm dứt hợp đồng ủy quyền này bất cứ lúc nào, và người chịu thiệt sẽ là bên còn lại.
 

(4) Hợp đồng đương nhiên hết hiệu lực nếu một bên chết

 
Theo khoản 3 Điều 422 Bộ luật dân sự 2015 quy định khi cá nhân giao kết hợp đồng chết thì hợp đồng sẽ đương nhiên bị chấm dứt. Do đó, khi người ủy quyền chết, quyền sử dụng đối với thửa đất trong hợp đồng sẽ trở thành di sản thừa kế và sẽ được chia cho những người thừa kế của người ủy quyền theo quy định của pháp luật về thừa kế, người được ủy quyền sẽ không còn quyền lợi gì với thửa đất nữa.
 
Có rất nhiều rủi ro pháp lý trong giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất bằng hợp đồng ủy quyền mà có thể làm ảnh hưởng quyền lợi của các bên. Chính vì vậy mà không nên mua bán đất bằng hợp đồng ủy quyền.
 
Lưu ý: Thông tin này được www.mangbds.com tổng hợp từ nhiều nguồn khác nhau. Tuy nhiên thông tin này có thể thay đổi nhiều thông tin qua thời gian do chủ đầu tư hoặc cơ quan chức năng nên sẽ có những thông tin chưa được chúng tôi cập nhật kịp thời. Vì vậy, bạn đọc và khách hàng chỉ xem đây là nguồn tham khảo. www.mangbds.com không chịu trách nhiệm gì đối với bất kỳ thiệt hại trực tiếp hay do hậu quả phát sinh từ việc sử dụng thông tin này.

Đăng bài miễn phí 

Hotline: 0906050528 - Mr. Xuân Hoán!
Theo: Luật sư Nguyễn Thụy Hân/TVPL

Bình luận